Cơ hội đón làn sóng đầu tư mới

13/06/2016 16:39 PM

Triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA HANOI 2016) tổ chức tại Hà Nội đã thu hút trên 175 doanh nghiệp đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Đây là diễn đàn quốc tế uy tín, giúp kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp sản xuất với những thành tựu và xu hướng công nghệ mới trên thế giới. 

Kết nối giao thương

         Nắm bắt nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Việt Nam trong xu hướng dòng chảy đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng từ các công ty, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là sự gia tăng nhu cầu về thiết bị, công nghệ và dịch vụ của ngành cơ khí chế tạo, MTA HANOI 2016 đã trở thành cầu nối hiệu quả cho việc tìm kiếm nguồn máy móc, thiết bị công nghệ của các công ty ở Việt Nam cũng như hy vọng của các nhà cung cấp, trưng bày quốc tế tiếp cận đúng đối tượng khách hàng.

         Ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) - nhận định: Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và các tập đoàn lớn Hàn Quốc. Họ đang từng bước tận dụng tiềm năng của Việt Nam với rất nhiều dự án đầu tư có giá trị hàng tỷ USD, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, gia dụng, xây dựng… do vậy, đây là dịp để các doanh nghiệp Hàn Quốc gặp gỡ đối tác, mua và bán những sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết yếu. Đây còn là cơ hội cho các công ty thành viên Korcham gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với khách hàng tiềm năng, mở rộng mạng lưới kinh doanh.

         Hàn Quốc đã vượt qua các nhà đầu tư hàng đầu khác như Đài Loan, Singapore và Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hướng sự quan tâm đến ngành công nghiệp chế tạo với khoảng 2.566 dự án có tổng giá trị lên tới 24,03 tỷ USD, chiếm hơn 90% tổng số vốn đăng ký. Các dự án đầu tư này đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế và giúp ổn định cán cân thương mại tại Việt Nam.

         Cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm

         Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, MTA HANOI 2016 là nơi hội tụ những giải pháp về công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng thời cũng là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, nhằm cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm.

         Cùng với việc trưng bày, MTA HANOI 2016 còn là diễn đàn kiến thức cho các doanh nghiệp ngành công nghệ cơ khí chế tạo khu vực phía Bắc  với các hội thảo chuyên ngành có chủ đề theo sát tình hình thực tế như: “Gia tăng giá trị cho ngành chế tạo tại Việt Nam, tiếp cận đa ngành và ứng dụng kỹ thuật mới”; “Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - Hành trang trước thềm hiệp định TPP”; quản lý phát triển sản phẩm mới”…

         Trong số các doanh nghiệp tham gia triển lãm lần này, có tới phân nửa là những nhà trưng bày tại các kỳ MTA HANOI trước, trong đó nhiều nhất là các doanh nghiệp đến từ Đài Loan và Singapore. Ông Chriistian Braun - Giám đốc Công ty DMG Mori seiki South Asia Singapore - cho biết: Công ty chúng tôi liên tục tham gia MTA HANOI, bởi nhận thấy năng lực sản xuất của Việt Nam đang được cải thiện thì việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là cần thiết.

         Không chỉ là diễn đàn kết nối giao thương dành cho doanh nghiệp quốc tế, MTA HANOI còn là cầu nối hiệu quả, giúp cho các công ty trong nước quảng bá công nghệ, tiếp cận khách hàng tiềm năng, góp phần phát triển hơn nữa lĩnh vực sản xuất công nghiệp khu vực miền Bắc. Phiên bản MTA HANOI 2016 chứng kiến sự trở lại của nhiều doanh nghiệp Việt Nam như công ty Bibus Vietnam, Kỹ thuật Bảo Sơn, Vạn Sự Lợi…

         Ông BT Tee - Phó trưởng Văn phòng Đại diện tại Việt Nam, Công ty Dịch vụ triển lãm Singapore, thành viên Ban tổ chức MTA HANOI 2016:Căn cứ tình hình tham dự, sự quan tâm ngày một nhiều hơn của các nhà triển lãm cũng như khách tham quan, Ban tổ chức quyết định sẽ đưa MTA HANOI trở thành sự kiện thương mại tổ chức hàng năm nhằm đáp ứng mong mỏi giới doanh nghiệp khu vực phía Bắc.